STORIES ON THE PATH OF SERVICE / NHỮNG CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG CỨU TRỢ
CAO NGUYÊN BẮC PHẦN
Phần I – Phát Quà Học Sinh tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng
CHUẨN BỊ:
Chúng tôi vẫn thường giúp đỡ nhiều gia đình thật sự khó khăn qua chương trình học bổng khi đi khảo sát học sinh nghèo. Cuối năm 2012, nhận được nhiều tấm hình học sinh tiểu học và trung học thiếu áo ấm và thức ăn gửi đến từ hai em Ngô Thúy Hạnh và Lý Thị De, em De là một người dân tộc quê xưa ở Hà Giang, cả hai đang làm việc tại văn phòng từ thiện HSCV (Humanitarian Services for Children of Vietnam)– Hà Nội. Những tấm hình này cho chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến cứu trợ tặng quà học sinh miền cao nguyên Bắc phần, đây là cơ hội để chúng tôi được chia sẻ và học hỏi thêm cuộc sống khó khăn của người dân ở đây. Khi đến đây chúng tôi hơi kinh ngạc vì những hình ảnh thiếu thốn và rách nát của các em đã biến mất, tôi hỏi quý Thầy Cô giáo và được biết học trò đã được nhắc nhở nhiều lần trong tuần qua là phải tắm rửa thật sạch, mặc áo quần đẹp nhất để đi nhận quà. .. bấm vào đây để xem hình ảnh học sinh nhiều khó khăn.
Eyes of Compassion Relief Organization. (EOCRO), nhiều năm qua, chưa có may mắn tìm ra được thiện nguyện viên tốt giúp các công việc từ thiện ở miền Bắc, vừa nảy sinh ý định đi phát quà miền núi, chúng tôi được anh LêPhan ở Ottawa giúp đỡ. Anh đã giới thiệu đến chúng tôi những người bạn nhiệt tình và cùng chí hướng. Khởi đầu công việc chúng tôi được các em ở văn phòng HSCV báo cho biết anh Nguyễn Tất Kiên, đã hứa chở miễn phí tất cả hàng cứu trợ từ Hà Nội đến bất cứ địa điểm nào vùng cao nguyên Bắc phần. Chúng tôi được anh Công cùng Hạnh đi đặt mua chăn bông ở Hà Tây, được chị Phương Hương và các giáo viên hưu trí ở Huế mua hàng thanh lý chuyển ra Hà Nội.
Chúng tôi chọn các trường học miền núi tỉnh Cao Bằng, nơi có nhiều học sinh người dân tộc. Ba trường được chọn là trường Na Ca 195 học sinh, trường Na Don 220 học sinh, trường Bản Đồng 65 em, tổng cộng: 480 học sinh. Chúng tôi nhờ anh Phan Đăng Hoè, kiểm tra tuyến đường đến 3 địa điểm này xem liệu xe tải đưa hàng vào có thuận tiện không? Trong quá khứ, được biết có những tuyến đường xe không đến được, chúng tôi không thể di chuyển trên 1000 phần quà bằng đường bộ, nên đã chọn 8 trường, tập trung học sinh về hai địa điểm phát quà
ĐỊA ĐIỂM PHÁT QUÀ:
Địa điểm thứ nhất là xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, tiếp giáp với Cao Bằng. Đây là xã nghèo, có tất cả 580 em học sinh cấp 1 và cấp 2. Ban đầu định phát cho 2 xã của huyện này là Phúc Lộc và Hà Hiệu, nhưng 2 xã này đã được phát quà trong dịp Tết. Chỉ có xã Khang Ninh là chưa nhận được quà Tết. Học sinh các trường trong xã sẽ tập trung tại một trường cấp 2 để nhận quà.
Địa điểm thứ 2 là xã Thành Công của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cách điểm phát quà thứ nhất 60 cây số. Toàn xã có ba trường cấp 1, một trường cấp 2 và một trường mẫu giáo. Chúng tôi tập trung học sinh đến trường cấp 2 để phát quà; học sinh mẫu giáo thì phụ huynh sẽ đi nhận quà thay nếu cần. Toàn bộ học sinh xã này có 473 em. Tổng số học sinh của 2 xã là 1053 em, chúng ta chuẩn bị trên 1100 phần quà để còn phát cho trẻ em nghèo khi gặp trên đường đi. Bao nhiêu học sinh chúng ta tặng bấy nhiêu quà, vì học sinh trong gia đình khá ở miền núi còn khổ hơn học sinh nghèo thành phố. Một số các em học tại tám trường này phải ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6 vì nhà xa cách trường trên cả chục cây số.
Chúng tôi muốn vào thăm những bản làng nghèo, xa khu dân cư đông đúc, đã đề nghị thuê xe thồ đi thăm các trường học và bản nghèo mà mình không đi xe lớn vào được. Nghe vậy các anh cho biết: *ở đó không có xe thồ*”.
Chúng tôi lại đề nghị cho phụ huynh học sinh tiểu học nhận hàng thay thế cho các cháu vì phần quà rất nặng. Lời đề nghị của chúng tôi làm các anh phì cười, bảo rằng: *trẻ con miền cao nguyên, quen leo đồi trèo núi, và cùi củi trên vai, nên việc tự đưa quà về sẽ không có gì trở ngại cho các em*.
Được báo là nhà trường có nhã ý mời đoàn ở lại ăn cơm trưa sau khi phát xong địa điểm thứ nhất, chúng tôi xin từ chối vì không muốn làm phiền và bảo anh em là chúng ta nên tìm một quán ăn cơm trưa đơn giản rồi lên đường kẻo trễ giờ hẹn. Anh Kiên bảo rằng ở trên núi làm gì có quán ăn, dân nghèo lắm mở quán cũng không có khách.
Ba lần bày tỏ suy nghĩ cho chúng tôi thấy mình thiếu nhiều kinh nghiệm nơi đây, những gì mình tưởng hoàn toàn khác xa sự thật, chuyến đi này sẽ là cơ hội cho chúng tôi học nhiều điều mới lạ.
Mỗi gói quà chúng ta tặng gồm nhiều loại áo quần cho mùa mát và mùa lạnh. Các gia đình miền núi thường có đông con, nên quà của chúng ta không chỉ cho học sinh mà trong gia đình ai mặc vừa đều có thể dùng được.
QUÀ TẶNG:
Chúng ta không mua hàng sản xuất từ Trung Quốc, mỗi quà gồm có:
** 1 cái chăn (hàng Hà Tây ) 75,000 Vnd
** Bộ đồ nỉ trẻ em (hàng Huế) 22,000 Vnd
** Áo len (hàng Đà Lạt) 18,000 Vnd
** Bộ áo quần lửng mùa hè (hàng Sài Gòn) 25,000 Vnd
** Áo khoác mùa đông (hàng Sài Gòn) 65, 000 Vnd
** Dép nhựa (hàng Sài Gòn) 12,000 Vnd
** Kẹo (do nhóm Bác Siêu ở Huế tặng)
** 1 gói quà mua hàng viện trợ từ nước ngoài, được gọi là hàng đồ bành, đủ loại đủ kích cỡ, giá 40,000$ đến 50,000$ một phần quà, hàng mua được sắp xếp theo số lượng học sinh của mỗi xã.
Mỗi đợt phát quà ở các tỉnh khác nhau giúp chúng tôi hiểu được 1 chút về bản tánh người địa phương mỗi vùng. Tại hai địa điểm miền núi này, chúng tôi nhận thấy từ cô thầy giáo, các phụ huynh và đến học sinh đa số là người hiền từ chất phác, mọi hành động của họ rất chậm, mình gọi ai thì người đó đến nhận quà mà không tranh giành, chen lấn, hay đòi hỏi. Mặc dù phát số lượng đông người, nhưng mọi việc tiến hành trật tự, gọn gàng, nhanh chóng, các em học sinh ngoan hiền với khuôn mặt ngây thơ trông rất đáng yêu.
XUYÊN QUA CÁC TỈNH:
Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội đi qua tỉnh Thái Nguyên, đến Bắc Cạn để phát quà tại địa điểm đầu tiên, qua Cao Bằng phát quà tại địa điểm thứ hai, và tiếp tục đi qua Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc rồi trở về Hà Nội.
Chúng tôi được ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp như bức tranh. Tuy nhiên, nhìn sâu thì sau lưng những cảnh đẹp tuyệt vời và hùng vĩ của thiên nhiên là đời sống vô cùng cơ cực của người dân, tìm miếng ăn trên những dãy núi đá vôi cao ngất, thiếu đất thiếu nước. Địa thế hiểm trở, không có điều kiện sản suất hoa màu là nguyên nhân đưa đến bữa ăn của họ chỉ có hạt bắp xay bể ăn với muối được gọi là món *mèn mén*.
TẶNG TIỀN MẶT:
Chuẩn bị cuộc hành trình đi bằng đường đèo xuyên qua những ngôi làng thưa dân, chúng tôi đổi sẵn vài chục triệu tiền Việt Nam thành tờ 100,000 vnd, 200,000 vnd hay 500,000 vnd, để tặng dễ dàng mà không phải chở theo nhiều hàng hoá cồng kềnh, đi được nhiều nơi. Chúng tôi được các anh căn dặn là chỉ tặng tiền cho những người phụ nữ để họ lo cho gia đình, tuyệt đối không tặng tiền cho đàn ông vì có tiền là họ đi uống rượu.
Chúng tôi tặng tiền những cụ già đi giữa đường đèo, cùi những bó củi lớn trên vai. Có những mệ mỏi quá nhưng không lấy cùi củi xuống mà tựa vào vách núi cho nhẹ bớt sức nặng, đứng nghỉ ngơi đôi phút trước khi tiếp tục cuộc hành trình.
Chúng tôi tặng tiền cho những người mẹ trẻ đang làm rẫy mà trên vai cùi con nhỏ, có đứa đang khóc, có đứa ngủ say dưới ánh nắng chói chang. Cách gieo ngô của các cô là trong hốc đá, chỉ có 1 nắm đất nhỏ, cô bỏ một nắm phân xanh, nhét vào đó 1 hạt bắp, xong rồi tưới lên đó 1 ít nước, cứ như vậy mà các cô túc tắc đi gieo cây nguyên cả đồi núi đá. Nhìn núi đá vôi cao ngất, thiếu đất, thiếu nước mà lại còn con nhỏ trên vai, chúng tôi ngẫm nghĩ không biết sự sống ở nơi này mỗi ngày diễn tiến như thế nào?
Có khi gặp những nhóm vài ba người phụ nữ đang làm rẫy, hay đang ngồi nghỉ mệt, chúng tôi đến gần thăm hỏi và tặng các chị một ít tiền, nếu tôi vẫy tay mời người nào thì người đó đến nhận, thấy tiền của một người lạ cho bạn mình như vậy mà các chị kia vẫn ngồi yên, chờ đến lúc tôi mời người thứ hai thì chỉ người thứ 2 đến nhận, rồi đến người thứ ba; lời nói và cử chỉ của các chị từ tốn, thật thà và chất phác, họ không biết tranh giành nhau, họ nghèo lắm nhưng lòng tham thì ít’, chúng tôi rất quý và mến bản chất hiền lương của họ.
LÀNG BẢN PHỐ:
Xe chúng tôi vào làng Bản Phố, ghé qua một trường tiểu học, xin phép các cô giáo cho vào thăm từng lớp. Ở mỗi lớp, chúng tôi xin thăm các em học sinh giỏi, và các em học sinh có hoàn cảnh bế tắt tuyệt vọng hay khó khăn về kinh tế. Chúng tôi tặng mỗi em từ 300,000 vnđ đến 500,000 vnđ hay nhiều hơn tuỳ theo hoàn cảnh, và 1 cây viết đem theo từ Canada về do hai bạn Nguyễn Tâm và Duyên gửi về làm quà.
Qua phần giới thiệu những học sinh có hoàn cảnh bi đát, chúng tôi được gặp gỡ và ôm vào lòng những em bé bị mất mẹ do sự lừa gạt của người từ thành phố lên núi buôn người. Cô giáo kể rằng, khi các em bị mất mẹ thì đến lớp thường hay khóc nhiều ngày liên tục rất tội nghiệp, cha cũng khờ dại ra vì trong nhà vắng bóng người phụ nữ, có nhiều ông không chịu nổi đả kích đã lên núi ngồi uống rượu, trông ngóng vợ về, chờ hoài chờ mãi mà vợ không bao giờ trở lại. Những người phụ nữ này bị người lạ cho 1 số tiền nhỏ, chưa tới 500,000 vnđ (25 usd), rủ về thành phố đi làm thuê kiếm tiền gửi lên nuôi gia đình, nhưng thật ra họ bán những người phụ nữ này qua Trung Quốc, tại đó có người bị đưa đi làm lao động nặng, làm “gái điếm”, có người bị gửi đi mổ để bán những bộ phận trong cơ thể….
Đời sống kham khổ và nhiều khó khăn nơi đây làm sao nói cho hết lời, mọi sự trải nghiệm sau chuyến đi ghi sâu vào lòng chúng tôi. Điều đau lòng trong tôi là câu chuyện của những đứa con thơ mất mẹ, chồng mất vợ, như bầy chim lạc đàn. Tôi mở rộng vòng tay ôm các em vào lòng và hôn lên tóc lên tráng các em. Tôi trút hết năng lượng yêu thương ấm ấp trong lòng truyền qua từng em một, lòng tôi rung động và trên gương mặt của các em cũng hiện nét xúc động. Khi hôn lên những mái tóc rối thành lọn không được tắm gội, khi nhìn những bộ áo quần cũ mèm, rách rưới, nhơ nhớp, ít khi được giặt đã làm tôi sót xa đau lòng.
THĂM HỒ BA BỂ:
Chúng tôi ghé Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn vào buổi chiều, không gian thật rộng và có nhiều nắng, gió chiều mát mẽ như những ngày vào Xuân ở Canada. Từ xa, ánh nước lấp lánh dưới trời chiều làm cho khung cảnh nổi bậc trong màu trời trong xanh của miền núi, những hàng cây, cái không khí trong lành thơm mùi rừng núi làm cho con người như có cảm giác đang đi vào cảnh thiên thai. Hồ Ba Bể là một hồ rộng chung quanh bao phủ bằng những dãy núi, nước trong vắc và êm đềm. Ở đây không như những nơi mà con người có thể tiếp cận dễ dàng, có lẽ chính vì vậy mà đường đèo còn rất vắng vẻ, thỉnh thoảng mới bắt gặp một chiếc xe qua vội trong trời chiều tĩnh mịch.
Chúng tôi đến bến, thuê ghe để dạo trên hồ. Ở đây có một văn phòng nhỏ, lo cho những người đến du lịch như chúng tôi. Ghe chạy qua những dãy đá, những núi xanh biếc, chúng tôi cảm nhận được cái không khí thanh bình, mênh mông của núi rừng, điệu nhạc thiêng liêng của trời đất như cất lên giữa cảnh nước non ngàn dặm, không gian như một nhà hoạ sĩ thiên tài, vung nét cọ những nét huyền hoặc của buổi trời chiều trên Hồ Ba Bể. Nhờ núi non cách trở nên ít người về đây tham quan, và có lẽ nhờ vậy mà hồ vẫn còn yên tĩnh và trong lành. Chúng tôi xuýt xoa với nét đáng yêu ở đây, ngồi thật lặng yên, nhìn phong cảnh của Hồ, giử tâm cho yên tĩnh, nghe rõ tiếng nước reo bên mạn thuyền, bao nhiêu phiền não tục lụy như bỗng chốc tan biến, nhường lại cho sự an bình thật sâu. Nếu bạn tự hào là đã biết hết nét đẹp của Việt Nam và chưa một lần ghé qua Hồ Ba Bể, có lẽ bạn chưa thật sự biết hết nét đẹp của đất nước nầy.
MÈO VẠC:
Chúng tôi ghé thăm thung lũng Mèo Vạc ở tỉnh Bắc Giang, nghỉ lại đêm để hôm sau tiếp tục cuộc hành trình. Mèo Vạc là một huyện xa xôi gần biên giới, có cuộc sống êm đềm, có phố thị nhỏ với những buôn bán đơn sơ. Chỉ cần khoảng 2 tiếng đi bộ, bạn có thể đi hết thị trấn nầy. Buổi tối với gió chiều thật mát, chúng tôi ghé qua một quán đặc biệt để ăn cháo “Ấu Tẩu”. Đây là loại cháo được nấu với củ Ấu Tẩu, một loại củ mà người dân ở đây rất tin tưởng có thể làm cho xương cốt chúng ta không bị mõi mệt dù phải trải qua những chặn đường vất vã; nó đặc biệt vì đây là một củ cực độc, nếu ăn sống thì vô phương cứu chữa. Chúng tôi hơi ngại nhưng cũng muốn thử mặc dù không ai cảm thấy mõi mệt sau một chuyến đường dài. Trước khi ăn, chúng tôi trao đổi với chủ quán và biết được bà chủ ở đây đã 3 lần vào bệnh viện cấp cứu vì thử cháo trước khi cho khách dùng. Đúng là khờ khạo khi thử những loại cháo độc đáo nầy. Cháo ngọt và mềm nhưng Ấu Tẩu rất đắng, ăn vào có hậu, vừa ăn vừa trò chuyện, tiếng cười vang vui vẻ trong thung lũng về đêm
Có thể xem cách làm cháo Ấu Tẩu ở đây:
http://www.youtube.com/watch?v=VROByvZsi2k
TRỞ VỀ HÀ NỘI:
Tổ chức HSCV và anh Phan Đăng Hoè tham gia tổ chức chuyến đi này là những người bạn đã làm việc với chúng tôi nhiều năm qua, chỉ có anh Nguyễn Tất Kiên, tự nguyện chuyển miễn phí tất cả các hàng hoá của chúng tôi lên trước, giử trong kho của xã tại hai địa điểm nầy, là người mới. Để chuyển hàng, anh phải ra bãi (dành riêng cho xe tải lớn chạy xuyên tỉnh) nhận hàng cách xa thành phố Hà Nội, tự vật lộn xoay xở để bốc vác những kiện hàng khổng lồ, phải trên 3 người khiêng, lên xe hàng nhỏ của anh. Cũng vì chiếc xe chở hàng là loại nhỏ nên anh đã đưa hàng lên núi đến 5 chuyến mới hết trên 1000 phần quà; thật là một kỳ công. Sau khi đoàn phát xong địa điểm thứ nhất, tôi đã lên xe hàng của anh Kiên đi đến địa điểm thứ hai để nói chuyện và làm quen với anh, đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt. Anh Kiên hỏi tôi được bao nhiêu tuổi, tôi trả lời 53 tuổi, anh bảo: “trên 50 tuổi chị nên uống sâm”, nói xong anh bấm điện thoại di động để báo cho ai đó, anh *chỉ thị* người bên kia đầu dây với nội dung là đào sẵn cho anh 2 cây sâm. Rồi qua những lời thăm hỏi về gia đình của hai bên, tôi nói với anh là: “chồng của Diệu Liên không có những lạc thú như bao người đàn ông khác mà anh ấy chỉ có một yêu thích là sưu tầm tranh và tượng Phật ”. Nghe vậy anh lại bấm nút di động và nói: “khúc gỗ tôi gửi anh, nhờ anh tạc cho tôi một pho tượng Phật”. Về đến Hà Nội chúng tôi mới biết anh chàng “lái xe tải nhỏ” chuyển hàng cứu trợ đợt này là một người quen biết rộng rãi và có đầu óc làm ăn lớn; hèn gì cứ bấm nút di động là anh giải quyết xong công việc. Đến Hà Nội chúng tôi được anh Kiên mời dùng cơm thân mật tại nhà hàng của gia đình anh để gặp một số thân hữu. Thân hữu được mời đến là giới văn nghệ sĩ gồm có: hoạ sĩ, điêu khắc gia, diễn viên và đạo diễn phim ảnh .. Các bạn anh đều là những người thích và đang tham gia các công tác từ thiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong và ngoài nước. Cho nên, dù là lần đầu tiên gặp nhau, mà chúng tôi đã có những câu chuyện để chia sẻ rất tâm đắc, những nụ cười thân thiện và thông cảm trong công việc mà mỗi người đã tham dự. Trong buổi tiệc chị vợ anh Kiên tâm sự: “thời gian qua anh Kiên nhà em ngày nào cũng đi, đi từ sáng đến tối, khi về thì mặt mày bơ phờ, áo quần lem luốc, người tiều tụy, râu tóc thì dài ra, em nhìn mà sốt cả ruột”. Thì ra anh ấy đã bỏ nhiều ngày liên tục để kịp chuyển hết hàng từ Hà Nội đưa lên Bắc Kạn và Cao Bằng. Chúng tôi hỏi anh: “vì sao nhiều hàng như vậy mà anh không thuê xe đưa lên cho đỡ vất vả, xe nhỏ của anh làm sao chuyển cho hết số hàng lớn”. Vừa cười, mắt liếc cô vợ, anh bảo: “đâu ngờ Chị cho nhiều thế, đã hứa với chị là chị cho được bao nhiều thì em sẽ chở lên hết bấy nhiêu, hứa rồi thì phải làm chứ, bà con cho được quà mà em chở không được sao” rồi anh lại cười.
Sau chuyến cứu trợ này chúng tôi mong muốn tiến hành chương trình hỗ trợ thức ăn cho các em học sinh miền núi phải ở lại cả tuần tại trường vì nhà cách xa trường từ 10 đến 20 cây số. Phương tiện di chuyển của các em là đi bộ, từng nhóm vài em đi xuyên qua các đường đèo và đường rừng. Mỗi chiều thứ 6 các em về thăm nhà, đem theo lương thực khô để ăn cho một tuần lễ và chiều Chủ Nhật trở lại trường. Thức ăn chính là món mèn mén, tức là bắp (ngô) xay nhỏ nấu như cơm, ăn với muối. Có nhiều em gia đình không có lương thực cho các em mang theo, nên các em phải nghỉ học.
Chương trình hỗ trợ thức ăn này nhằm mục đích giúp học sinh nghèo tiếp tục đến trường, giúp nâng cao sức khoẻ và dân trí cho tuổi thơ và tuổi vị thành niên vùng cao nguyên. Vì thấy họ và chúng ta đang sống trên cùng một thế giới nhưng sao điều kiện sống của đồng bào ở đây và của chúng ta hoàn toàn khác nhau. Với tâm từ bi mặc dù còn nhiều giới hạn, chúng tôi cũng mong mỏi làm được một chút gì đó để san sẻ sự thiếu thốn và thiếu may mắn của đồng bào vùng cao nguyên. Nhất là khi nghĩ đến bản chất thật thà của họ đã bị người xấu lường gạt để lại khổ đau cho gia đình và cho các con còn nhỏ dại. Nếu có ăn học có hiểu biết thì đời sống họ hy vọng sẽ khá hơn. Hình ảnh của các em học sinh lem luốc thiếu sự chăm sóc do mất mẹ luôn thúc dục chúng tôi làm một điều gì đó cho thế giới bị quên lãng này.
Với sự kết hợp một số chương trình liên quan đến sức khoẻ của học sinh mà chúng tôi sẽ tuần tự gửi đến quý vị trong nay mai, nên mọi đóng góp giúp việc chăm sóc sức khoẻ cho học sinh / sinh viên xin gửi về quỹ Bếp Ăn.
Hoàn tất một chuyện đi dài thành công và như ý nguyện là do công lao của bạn bè, thân hữu mà tôi đã trình bày như trên. Chúng tôi không quên cám ơn ông Chuck DeVet, người sáng lập tổ chức HSCV đã ủng hộ hết lòng ngay từ lúc ban đầu. Dĩ nhiên tất cả mọi công việc nếu không có sự đóng góp tịnh tài của qúy ân nhân thì chuyến đi không thể thành sự thật.
Về đến Hà Nội sau chuyến đi dài, chuẩn bị vào Huế thăm gia đình thì nghe tin Mẹ anh Nguyễn Minh qua đời, tức là Mẹ chồng của tôi. Chúng tôi cấp tốc về nhà để lo tang lễ cho Mẹ. Mẹ chúng tôi đã 94 tuổi, cụ ra đi nhẹ nhàng, thanh tịnh, không bệnh hoạn đớn đau. Con cháu về đông đủ, tang lễ Mẹ tôi cử hành ấm cúng thân mật với sự thăm viếng và thăm hỏi của thân nhân và bạn bè gần xa. Đặc biệt mỗi ngày đều có qúy tăng đoàn đến cầu nguyện cho Mẹ, và chia sẻ những lời chỉ giáo cho con cháu trong gia đình.
Tượng ngài Quan Thế Âm bằng gỗ Ngọc Am do anh Kiên và người bạn điêu khắc gia tên Phúc tặng đã được đặt lên bàn thờ tang lễ cho Mẹ chúng tôi, hương thơm của gỗ Ngọc Am tỏa ra như để phò trợ người quá cố về với cõi miên thường.
Chúng tôi kính gửi tặng đến qúy vị hai câu kệ từ bức Thư pháp mà chùa Từ Hiếu, Diệu Trạm gởi về:
Tịnh Thủy trong bình từ trên tay Bồ Tát
Rót lên sa mạc thành biển xanh mông mênh
Tôn Nữ Diệu Liên - mùa Xuân 2013
KHẮP NẺO ĐƯỜNG
Chuyến về Việt Nam làm Từ Thiện của MTNCĐ 2012
Rời Canada trong chuyến bay Hàn Quốc, chúng tôi dừng chân tại Seoul vài giờ đồng hồ trước khi đáp máy bay về Việt Nam. Phi trường Hàn Quốc rất đẹp, ngoài những cửa tiệm buôn bán tấp nập, còn có vài gian hàng mang tính văn hóa, mọi người có thể ngồi thưởng thức phần trình diễn âm nhạc đặc thù của xứ nầy.
Năm nay chúng tôi trở lại quê nhà vào tháng 2, mong cho trời khô ráo để dễ dàng di chuyển. Tuy vậy vẫn không tránh được nhưng cơn mưa của miền Trung và Trung Bắc, vừa dai dẳng vừa lạnh lẽo thật là khó chịu.
Vừa đáp xuống Sài Gòn chúng tôi bay thẳng ra Huế, đó là điểm hẹn với đoàn Thiện Duyên, gặp nhau để làm một số công tác từ thiện trước khi các anh chị nhóm Thiện Duyên trở về lại Canada. Huế lúc nắng lúc mưa, thời tiết còn lạnh, tuy vậy chúng tôi vẫn lên đường.
Đi thăm các em học sinh nghèo đang được MTNCĐ bảo trợ ở Huế
Hôm nay trời nắng, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Văn Quân và em Phương, chúng tôi ghé thăm trường cấp 2 Phú Xuân huyện Phú Vang, trường Bến Ván, trường cấp 3 Phú Lộc, trường cấp 2 Phú Lộc, và khảo sát các gia đình cần nhà tình thương. Quân và Phương là hai thiện nguyện viên đắc lực của MTNCĐ, nhờ là thầy giáo trường làng nên Quân biết rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi nhận được danh sách học sinh nghèo từ ban giám hiệu các trường, Phương cùng Quân đi kiểm tra từng gia đình để chọn lọc những học sinh nghèo thật sự. Qua việc đến từng nhà, hiểu rõ từng hoàn cảnh nên Phương và Quân giúp MTNCĐ, không chỉ chọn học sinh nghèo, mà còn chọn ra những căn nhà đổ nát cần được giúp xây dựng.
Khi nhìn các cháu giữa đám học sinh, chúng ta khó phân biệt được ai là người đang cần sự giúp đỡ. Các cháu mặc đồng phục giống nhau, sinh hoạt vui tươi trong một trường học được sơn quét khá tươm tất. Nhưng khi chúng tôi tập họp các cháu đã được Phương và Quân chọn lọc, mới hiểu được sự bất hạnh của từng cháu như thế nào. Chỉ cần ôm các cháu vào lòng, hỏi thăm tình trạng gia đình và nếu là người có hoàn cảnh bất hạnh thì các em sẽ khóc, kể lể chuyện gia đình và không quên cám ơn những ân nhân đã tạo điều kiện để các cháu còn được đến trường trong thời gian qua. Trường hợp đặc biệt xảy ra cho cháu Khánh Ly. Chúng tôi đến thăm cháu ngay ở nhà, căn nhà nghèo nàn không có cửa ngõ, các Anh Chị trong đoàn Thiện Duyên giúp đỡ làm cửa cho an toàn, mua xe đạp mới cho cháu …. Chúng tôi đến thăm gia đình cháu Nguyễn Thành ở trường Phú Lộc, căn nhà cháu ở tôì tàn và nhỏ xíu như hộp diêm, MTNCĐ hứa làm cho mẹ con cháu một căn nhà tốt nhưng với điều kiện bà con lối xóm và chính quyền phải tạo điều kiện như cấp thẻ đỏ cho mảnh đất và giúp công xây nhà. Đến hôm nay thì Phương và Quân đã hoàn tất việc xây dựng căn nhà này. Ngoài ra chúng ta đã cung cấp một số sách giáo khoa cho các em và những tủ sách “học làm người” cho nhà trường.
Song song chuyến đi thăm học sinh các trường, chúng tôi cùng làm việc với em Tô Diệu Lan, người phụ trách chính của MTNCĐ về chương trình xây sửa nhà rách nát, để khảo sát và thực hiện 2 căn “Nhà Tình Thương” cho anh Nguyễn Văn Chung và anh Phan Văn Quang tại làng Châu Chử - Thừa Thiên Huế. Các thiện nguyện viên nhiều nơi gửi đến chúng tôi những hoàn cảnh khó khăn chưa có nhà ở tại địa phương các anh đang hoạt động và chúng tôi hứa sẽ tìm cách thăm viếng và thực hiện trong thời gian còn lại ở Việt Nam.
Phát quà Thiên Tai - Hà Tĩnh
Ngày hôm sau, chúng tôi rời Huế đi Hà Tĩnh. Trời bắt đầu mưa nhẹ và khá lạnh. Ở Hà Tĩnh chúng tôi làm việc với giáo xứ Dũ Thành, do Cha Nga quản nhiệm, giúp chọn địa điểm và đối tượng nhận quà.
Điểm phát quà đầu tiên là làng Sơn Thành xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, chúng tôi đưa hàng đến thì bà con đã có mặt từ lúc nào. Trời mưa lâm thâm, những cụ già và em bé mặc những chiếc áo mưa đứng chờ. Có lẽ không mượn được một chỗ thích hợp nên ban tổ chức phải tạm dựng nên một căn lều lớn để tập trung dân. Sau khi có vài lời chia sẻ, chúng tôi bắt đầu phát quà. Chúng tôi phát 150 phần quà, gồm có 10 kí gạo, 1 chiếc mền rộng, 1 đôi boot ống cao, và một chiếc áo ấm, tổng cộng trên 300 ngàn đồng Việt Nam. Chúng tôi trao quà tận tay, dù lúm úm cùng nhau trong căn lều nghèo nàn nhưng không làm vơi đi tình cảm nồng nàn mà người hải ngoại mang về để san sẻ.
Chúng tôi ở lại qua đêm tại giáo xứ Dũ Thành, đoàn được cha Nga, và giáo dân nhà thờ tiếp đãi tận tình, vui vẻ, mọi người có một giấc ngủ ngon trước khi làm việc tiếp.
Điểm phát quà thứ hai mà chúng tôi đến là xã Hòa Lạc, huyện Thạch Hà. Hôm nay trời cũng mưa nhẹ, từ xa đã thấy bà con tụ tập chờ đợi, đường vào làng hư hỏng trầm trọng do nước lũ xói mòn, nên xe gặp nhiều khó khăn đi vào địa điểm phát quà. Người dân Hoà Lạc và vùng phụ cận đứng dưới cơn mưa lạnh mà họ đi chân đất, những khuôn mặt khắc khổ của các cụ già, những chiếc áo mưa rách nát nói lên được đời sống người dân vẫn còn cơ cực. Địa điểm này dù phần tổ chức gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung, mọi người đến nhận quà trong trật tự, vui vẻ và gởi gắm cho nhau những ánh mắt thân thương. Các cụ già cứ nhắc hoài là đoàn cố gắng về lại trong những năm đến. Cùng trong ngày, chúng tôi đi thăm từng gia đình nghèo và tàn tật trong khu vực, các anh chị nhóm Thiện Duyên tặng thêm tiền cho nhiều gia đình gặp khó khăn nhất.
Để tổ chức 1 chuyến đi cứu trợ thiên tai có phẩn chất, về việc chọn đúng hoàn cảnh, tặng đúng mặt hàng đáp ứng nhu cầu của địa phương, giá mua hàng thấp, đều rất cần sự đóng góp của nhiều người tham gia trực tiếp và gián tiếp. Trong chuyến cứu trợ này chúng ta không quên sự yểm trợ, gián tiếp và tận tình, để chuẩn bị hàng trước giờ lên đường, đó là sự có mặt của qúy Cô, Dì và các chị trong chương trình cựu học sinh Quốc Học và Đồng Khánh (QH&ĐK) tại Huế, do chị Ngô Phương Hương đại diện điều động lo việc chọn mua hơn 300 chiếc áo ấm loại Đồ bành (hàng cũ từ nước ngoài nhập vào Việt Nam, dù cũ nhưng chất lượng cao hơn hàng nội địa), với tiêu chuẩn nhẹ, bền, mới, rẻ … QH&ĐK đã đi mua về đem giặt, xếp bỏ từng bì thật đẹp, ai cũng tưởng là hàng mới tinh
Đến Quảng Trị
Chúng tôi rời Hà Tĩnh đi vào Quảng Trị ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, đón thêm anh Lê Văn Diêu, trưởng ban Từ Thiện tỉnh Quảng Trị, anh Dũng chị Hương của đoàn Thiện Duyên và tất cả chúng tôi cùng lên đường tiếp tục công tác từ thiện.
Ở Quảng Trị, chúng tôi đi thăm bệnh nhân chất độc da cam, bệnh nhân tâm thần, tùy theo trường hợp của từng hoàn cảnh, chúng tôi giúp đỡ họ vượt qua tình trạng khó khăn. Ở huyện Cam Lộ, có cháu Hoàng Thị Phương bị bại liệt, nên mẹ đang vay tiền nuôi một con bò để vừa ở nhà lo cho Phương vừa kiếm thêm tiền lo cho kinh tế gia đình. Quỹ Thiện Duyên đã giúp trả nợ cho chị. Chúng tôi thăm gia đình có 3 người con mà cả 3 cháu đều tàn tật, theo yêu cầu của gia đình, vì không tìm được một phương thức khác hơn để tạo nghề nghiệp cho người chồng, chúng tôi đành cung cấp tiền mua 10 con heo con, bà con địa phương sẽ giúp gia đình làm chuồng.
Nơi đây có nhiều chùa chiền và sinh hoạt Phật Giáo rất mạnh, chúng tôi theo ban từ thiện Quảng Trị đi thăm một số niệm Phật đường và 1 vài ngôi chùa đang có dự án xây dựng. Ghé qua chùa Lâm Lang, chùa Cam Vũ, chùa Đình Xá… Chúng tôi giúp quỹ may áo quần đồng phục cho các em gia đình Phật Tử, in thêm kinh Nghi Thức Tụng Niệm, và ghi nhận 2 ngôi chùa đang chuẩn bị xây được đánh giá cao vì sự thực dụng của nó, nhưng vì vẫn còn trong thời gian chuẩn bị, chưa bắt đầu khởi công với bảng vẽ chi tiết nên chúng tôi đành hẹn lại, không dám vội vàng.
Viếng xong các Chùa thì trời cũng đã về chiều, chúng tôi chia tay anh Diêu và các Anh trong Ban Từ Thiện Quảng Trị trong một quán Mì Quảng bên đường, tiếng nói tiếng cười vui như ngày hội, mong mỏi sẽ có những ngày làm việc như thế nầy trong tương lai. Đoàn rời Quảng Trị và xe trở lại Huế lúc 8 giờ đêm.
Trở lại Huế
Nghỉ ngơi vài hôm, chúng tôi ghé về thăm hội người mù Phú Vang, Huế. Hội có 228 người, thường trú vào khoảng 30 người. Nơi ở còn hạn chế và mưa dột. Phòng ăn và phòng vệ sinh chung trong một khu vực, rất mất vệ sinh.
Cùng đi với chúng tôi có nha sĩ Trương Đăng Quang, một người có lòng muốn giúp làm răng cho người mù ở đây. Anh Quang dự định sẽ khám nghiệm và làm lại răng cho người mù Phú Vang. Anh sẽ kết hợp với các vị nha sĩ và bác sĩ khác để thực hiện chương trình nầy, họ chỉ cần lấy lại tiền chi dụng cho vật liệu.
Chúng tôi được bác sĩ Nguyễn Viết Nhân, từ văn phòng Tư Vấn Di Truyền và Hỗ Trợ Trẻ Em Khuyết Tật, sắp xếp gặp bác sĩ Trần Thị Đoan Trang, để được học hỏi về chương trình phát phiếu ăn cho các bệnh nhân nghèo trong các khoa như khoa Ung bướu, khoa Nhi, khoa Lây đang điều trị tại bệnh viện Trung Ương Huế. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn đi thăm bệnh nhân khoa Ung bướu và được phép đến gần thăm hỏi những người bệnh trong hoàn cảnh thiếu thốn. Chúng tôi chưa quyết định cần phải làm những gì nhưng có những phương án thực tiễn có thể giúp được cho những người bệnh thiếu may mắn sau nầy.
Quảng Nam và Tam Kỳ
Xe tiếp tục lăn bánh vào thành phố Đà Nẵng ở lại 1 đêm, sáng sớm hôm sau trực chỉ đi lên huyện Quế Sơn. Thầy giáo Trần Đình Phúc đón trên đường và đưa chúng tôi đến những điểm dự định. Địa điểm đầu tiên là nhà trẻ Phúc Tâm Duyên, do quỹ MTNCĐ xây dựng vào năm 2010, phát triển rất tốt đẹp. Đồng thời thăm công trình mở rộng nhà trẻ Phúc Tâm Duyên được bà Việt Tú - một Việt kiều Pháp quốc, đóng góp tịnh tài, khoảng 10,000 Euro, xây thêm một lớp học bên cạnh. Chúng tôi ngồi hàn huyên cùng cô Hiệu trưởng và anh Phúc, tìm thêm phương án làm cho sinh hoạt của trường bền vững và mang nhiều lợi ích
Chia tay cô Hiệu trưởng và các cô giáo, anh Phúc đưa chúng tôi đi thăm những căn nhà tình thương rách nát cần sự giúp đỡ. Ở đây, chúng tôi thấy một hoàn cảnh rất đáng thương, gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, chồng vừa qua đời, đang ở trong một căn nhà che bằng những tấm bạt với 4 đứa con nhỏ. Nhìn qua hoàn cảnh và điều kiện đang sinh sống chúng tôi đã không cần do dự, bằng lòng giúp để xây một căn nhà tình thương. Chúng tôi đi thăm thêm những gia đình đã được giúp xây giếng nước trước đây, thăm các bệnh nhân mang bệnh hiểm nghèo không có tiền điều trị, họ theo xe ra Huế để giới thiệu vào bệnh viện Trung Ương Huế, nơi mà MTNCĐ có nhiều mối quan hệ tốt với các bác sĩ và y tá có thiện tâm, để việc chữa trị được dễ dàng, chi phí thấp mà kết quả cao.
Nghỉ trưa ở nhà thầy giáo Phúc, chúng tôi được gia đình và các cô giáo nhà trẻ Phúc Tâm Duyên đãi món Mì Quảng chay rất ngon, Quế Sơn trời đầy nắng và nóng, chúng tôi phải nghỉ ngơi cho bớt nóng trước khi lên đường. Trong chuyến đi Quảng Nam chúng tôi có đón em học sinh Khánh Ly đi Tam Kỳ thăm bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, từ Hoa Kỳ, là người bảo trợ cho Khánh Ly ăn học trong thời gian qua. Chúng tôi đến trung tâm tâm thần của tỉnh Tam Kỳ, để cháu Khánh Ly gặp cô Thanh, là nơi mà Ni sư Chúng Liên và các anh chị thiện nguyện trong đoàn cô Ngọc Thanh đang phát quà tặng bệnh nhân. Dù đã biết tin tức nhau thông qua MTNCĐ, nhưng khi được gặp nhau, cô Thanh và cháu Khánh Ly không sao dấu được nổi xúc động và vui mừng. Khánh Ly được cô Thanh đem về khách sạn tâm sự, nhìn hai người xem như đã thân nhau từ lâu lắm rồi và lúc chia tay, Khánh Ly đã không sao cầm được nước mắt. Chúng tôi về Tịnh Xá Ngọc Kỳ và được Ni Sư Liên Chúng từ bi mời ăn bữa cơm chiều. Sau bữa cơm, chúng tôi chia tay Ni Sư cùng phái đoàn cô Ngọc Thanh để về lại Huế. Trời chiều và nắng đã dịu hẳn, chúng tôi đến Huế khi trời đã tối, phải đưa cháu Khánh Ly về với núi rừng của cháu nên lại càng khuya thêm.
Nghỉ thêm một thời gian ngắn là đến ngày anh Nguyễn Văn Minh, ông xã của Diệu Liên, vào Sài Gòn để về Canada. Trong dịp này chúng tôi kết hợp cùng các anh chị trong chương trình Hiểu và Thương (H&T) đi khảo sát các chương trình xây cầu, xây nhà tình thương và hệ thống nước bơm hoa màu.
Mổ mắt ở Sài Gòn
Trước khi theo các anh về Đồng Nai, Long Thành làm việc, chúng tôi ghé ngang qua Trung Tâm Mắt Kỹ Thuật Cao (TTMKTC) ở Sài Gòn, vì MTNCĐ đang có 36 ca mổ mắt cho bệnh nhân nghèo mù loà từ tỉnh Bình Thuận, do sư cô Hạnh Pháp chùa Thiền Quang thành phố Phan Thiết giúp tổ chức. Bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ từ TTMCTC, là người sẵn sàng hợp tác với các chương trình từ thiện giúp bệnh nhân mù loà, mổ 1 ca đục thuỷ tinh thể chỉ tốn 700 ngàn đồng Việt Nam so với giá bình thường vào khoảng 5 đến 6 triệu đồng. Đây cũng là trung tâm chính để chúng ta gởi các bệnh nhân từ Đồng Nai, Long Thành, Cà Mâu về mổ. Trung tâm được đánh giá cao về phẩm chất chữa trị đã làm cho bệnh nhân nghèo rất an tâm khi được đưa về đây. Bác sĩ Vũ và các bạn đồng nghiệp cũng là những người đã giúp đỡ đợt mổ 300 ca mắt của MTNCĐ ở Cambodia vào năm 2009.
Chúng tôi tiếp xúc nhiều hoàn cảnh khác nhau, anh Võ Văn Tuấn, 34 tuổi, làm nghề đánh cá, có người mẹ bị mù. Khi mắt anh bị mờ và biết là sẽ đi theo vết xe của mẹ nên anh rất sợ hãi, anh được người anh họ đưa đi theo đoàn để chữa trị. Anh bị cườm nước nên không thể mổ được mà chỉ điều trị bằng cách điểm thuốc. Chúng tôi gửi sư cô Hạnh Pháp 1 số tiền mua thuốc điểm dài hạn cho anh, an ủi anh và không quên tặng ít tiền cho người anh họ, đã bỏ công việc riêng để khuyến khích và chăm sóc anh Tuấn trong chuyến đi này. Người anh họ này để lại cho chúng tôi 1 ấn tượng rất sâu và rất đẹp về tình cảm anh em họ của người dân quê, vì khi nghe tin em mình không được mổ để chữa triệt căn bệnh, anh ta rất đau khổ, mặt bơ phờ, chạy tìm người này xin gặp người kia, hỏi mọi phương cách tìm đường cứu em nhưng vẫn chưa có câu trả lời như ý anh mong muốn.
Còn có 3 người khốn khổ đó là bà Đoàn Thị Hoà, bà Vũ Thị Tuyết và bà Lê Thị Thương, độ tuổi 60 đến 80, quê quán ở Thanh Hoá, vì quá nghèo nên vào làm việc không lương cho cơ sở nuôi dưỡng tâm thần, ở huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng. Cả 3 bà đều bị đục thuỷ tinh thể và trong đợt này được mổ thành công. Chú Thu, trưởng ban điều hành cơ sơ nuôi dưỡng tâm thần, cho biết 3 vị này dù không có lương nhưng làm việc vất vả, vừa nấu ăn vừa giặt giũ, làm quần quật cả ngày để phục vụ hàng chục bệnh nhân tâm thần, với tuổi già và sức khoẻ ngày một yếu đi nên công việc ở cơ sở cũng rất vất vả cho 3 bà, chúng tôi đã trích quỹ Thiện Duyên để giúp tiền “bỏ túi” cho 3 bà.
Ngoài ra, đợt mổ mắt lần này, từ bệnh nhân cho đến thiện nguyện từ tỉnh Bình Thuận, được Nhóm Thuyền Đom Đóm, thành phố Sài Gòn, ủng hộ phần ăn và nước uống khi chữa trị tại Trung tâm Mắt. Chúng tôi có dịp nói chuyện với em Nguyễn Phạm Tuấn Anh, người đại diện của nhóm, được biết nhóm Thuyền Đom Đóm, được thành lập từ những em thanh niên rất trẻ, cùng nhau tổ chức những chương trình nhỏ trong khả năng của các em, rất đáng khích lệ.
Về Đồng Nai:
Rời Trung Tâm Mắt Kỹ Thuật Cao, anh Hà từ H&T đưa chúng tôi về thẳng Đồng Nai quan sát công trình xây cầu. Vì việc ghé thăm chương trình mổ mắt nên chúng tôi đến rất trễ. Nghe các anh nói bà con đã đợi hàng giờ để mong gặp mặt, chia sẻ và cám ơn nhưng cuối cùng phải ra về. Chúng tôi tiếc nuối và gửi lời xin lỗi đến mọi người. Chúng tôi cùng các anh Hà, anh Lộc, anh Sanh (H&T) đi thăm các căn nhà tình thương đã được MTNCĐ hỗ trợ vật liệu xây dựng, công thợ được giúp từ bà con và hàng xóm. Chúng tôi đi thăm Cầu Suối Lớn, cầu đang thi công và sẽ hoàn thành trong tháng đến, cũng được quỹ MTNCĐ hỗ trợ và các anh H&T lo điều hành việc xây dựng. Chúng tôi tiếp tục đi thăm những cầu đã làm và những dự án sẽ làm trong tương lai ở đây để khi có kinh phí, chúng ta không mất thời gian tham khảo và đi khảo sát.
Đặc biệt nhất trong chuyến về Đồng Nai là được đi thăm một cây cầu ở Suối Trầu. Đây là một cây cầu treo được kết bằng những tấm ván thô sơ, dài khoảng 17m, cao cách mặt nước 6 mét, giao thông qua lại rất nguy hiểm. Tổng số dân 2 xã là 500 hộ và 1000 hộ, ước lượng khoảng 5000 đầu người, đây là vùng Kinh Tế Mới. Để có phương tiện qua lại cho người dân hai xã, đồng bào đã 9 lần tự xây cầu qua con suối tên Suối Trầu này, thay đổi 4 địa điểm. Vì dòng nước chảy mạnh, nên trong các mùa nước lớn đã cuốn trôi hay làm sập 8 cây cầu làm bằng tre bằng gỗ trước đây. Cầu được sử dụng để chuyển hàng hóa nông sản bằng xe Honda và xe công nông, đi chợ, đi học, đi chùa, đi nhà thờ, đưa người bệnh đi bệnh viện huyện, không còn nguy hiểm về tính mạng, buôn bán dễ dàng, tạo điều kiện phát triển kinh tế 2 ấp và cũng là con đường giao thông của các xã vùng phụ cận. Chúng tôi khi trở lại nhà cuả các vị có trách nhiệm trong ấp cùng với các anh H&T, bàn bạc và đánh giá chi phí cho việc xây dựng, dự đoán khoảng 200 triệu VN.
MTNCĐ sẽ chi 150 triệu và 50 triệu còn lại sẽ quyên góp từ người dân địa phương. Sau nầy khi chúng tôi về lại Canada, quyết định có phần thay đổi là MTNCĐ sẽ giúp đỡ chi phí xây dựng toàn bộ cây cầu, người dân ở hai ấp sẽ đóng góp bằng công sức, tránh vấn đề quyên góp tiền bạc vì có thể đưa đến những tình trạng tiêu cực. Khi quyết định làm lại cây cầu ở đây, không chỉ các anh chương trình H&T, mà toàn bộ các vị ngồi trong buổi đánh giá hôm đó mừng vui khôn xiết, có lẽ đây là một giấc mơ lớn của họ mà trong thời gian qua, họ đã trầy truột chắp vá để tạo phương tiện di chuyển cho 2 xã.
Rời Suối Trầu, chúng tôi ở lại qua đêm tại nhà anh Hồ Vũ Bình, 1 thành viên của H&T. Sau buổi cơm tối, chúng tôi ngồi lại với nhau rất vui, hàn huyên những việc từ thiện tại miền Nam. Anh Bình là người giúp chúng ta quản lý vật liệu và đúc thúc việc xây dựng cầu ở Đồng Nai, mà cũng là người giúp sắp xếp bệnh nhân mổ mắt để đưa về Trung Tâm Mắt Kỹ Thuật Cao.
Buổi sáng thức giấc trong cảnh yên tĩnh, chúng tôi được ăn xôi đậu điểm tâm. Sau đó đi thăm hệ thống nước tưới hoa màu đã làm từ Đồng Nai đến Long Thành. Chúng tôi được giới thiệu một người làm nghề buôn trái cây mua từ các vườn đem ra chợ bán sỉ. Anh là cháu của anh Lộc, người đảm trách việc xây hệ thống nước hoa màu cho H&T và MTNCĐ. Người buôn bán trái cây kể lại rằng trong những chuyến đi mua trái cây, có những khu đất rộng mênh mông nhưng cằn cỗi vì thiếu nước, không canh tác nên không có hoa màu thu hoạch. Tuy anh ta gặp khó khăn trong việc tìm mua trái cây ra chợ bán, nhưng anh lại thấy đời sống khó khăn gấp bội của các gia đình phải bỏ những cánh đồng hoa màu thành hoan tàn, phủ bởi mà. Hệ thống nước tưới quan trọng vô cùng cho sự sống người dân làm vườn, giếng nước cần được khoảng sâu, để tìm mạch nước mạnh có khả năng tưới cây suốt mùa hè. Chính vì vậy mà MTNCĐ quan tâm đến những gia đình nghèo, có đất nhưng không thể trồng trọt, giúp hệ thống nước tưới hoa màu là tạo điều kiện sinh sống cho bà con và hạnh phúc cho từng gia đình. Người dân không có phương tiện trồng trọt, họ phải ra thành phố lớn kiếm việc làm. Khi sống xa gia đình, nhiều người cha, anh lớn thường gặp nạn theo bạn bè, rượu chè, cờ bạc, quan hệ người khác giới không suy nghĩ …., quên luôn cả mẹ già, và vợ con đang chờ đợi …
Trời rất nắng, cái nóng mùa Xuân cũng đủ làm rát cả da thịt. Chúng tôi đi thăm được một số hệ thống nước đã làm nằm cạnh đại lộ, không thể đi sâu hơn vì thời gian và cơn nắng khắc nghiệt. Chứng kiến những vòi nước lấy lên từ lòng đất, vung vãi lên những cánh đồng bắp, đậu, dưa … và cỏ cây làm cho mọi người hạnh phúc. Nước là một cái gì đó thật mầu nhiệm, đến từ lòng đất rồi đi vào hoa lá, nuôi dưỡng và cho ta những cây trái thơm ngon.
Nước từ nguồn suối cao
Nước từ lòng đất xâu
Nước mầu nhiệm tuôn chảy
Ơn nước luôn tràn đầy ….
Tôn Nữ Diệu Liên – 2012
PHẬT CHƯA TỪNG NHẬP DIỆT
Thăm xứ Ấn
Sau khi hoàn tất một số công việc từ thiện ở Biển Hồ, tôi giã từ Cam-Pu-Chia để chuẩn bị vào Ấn Độ. Vừa rời phi trường chuyển tiếp Thái Lan được một ngày thì phi trường bị đoàn biểu tình làm tê liệt. May quá, nếu không có lẽ tôi sẽ phải ở lại đây một thời gian thật lâu. Lần đầu tiên đến chiêm bái xứ Phật, không một người quen, tôi may mắn được thầy Tánh Tuệ và sư cô Liên Thật ra đón tận phi trường. Vùng nầy thuộc tỉnh Gaya, nơi có những thánh tích Phật giáo như Bồ Đề Đạo Tràng, Khổ Hạnh Lâm, sông Ni Liên Thuyền …. Mục đích của chuyến đi nầy là xem lại những công việc từ thiện của “Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời” đã làm trong những năm qua, tìm hiểu để làm thêm những công việc mới, mong giúp một chút cho Đạo và chia xẻ khó khăn với những người dân giai cấp cùng đinh.
Có lẽ vì là vùng đất Thánh, nên mọi kế hoạch từ thiện của tôi tại đây đã biến thành các Phật sự mầu nhiệm. Việc đầu tiên là tôi quyết định không ở khách sạn, xin về lưu trú tại một ngôi chùa Việt Nam có thời khóa tu học: tụng kinh lúc 4 giờ sáng, 5 giờ nghe thuyết pháp và 6 giờ ăn điểm tâm. Chùa đang xây dựng nên chưa có phòng cho Phật tử vãng lai. Chùa được dựng tạm lên bằng những tấm tolle, vách hở nên gió và bụi bay vào, nằm bên cạnh đồng ruộng nên có nhiều chuột. Những con mèo hoang trong làng vào chùa rượt chuột chạy rầm rầm cả đêm. Mặc dù là tuổi chuột nhưng tôi rất sợ Chuột. Ngày đầu khi về phòng, tôi co chân ngồi trên giường và bỏ mùng xuống để các “cô”, “chú” ham rượt nhau không tông vào tôi. Những lúc như vậy thì tôi trì chú Đại Bi, khi tâm dịu xuống thì tôi ngồi yên theo dõi hơi thở. Tôi quán tưởng hình ảnh ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện vào rừng lang thang một mình, sống hòa đồng với thú dữ, chịu cảnh màn trời chiếu đất, rừng sâu nước độc. Hình ảnh con đường tìm đạo 2.500 năm về trước của đức Phật với nhiều chông gai và thử thách giúp tôi vượt qua được khổ thọ khi phải sống chung với mấy chú Chuột trong chùa. Và hình như các Chú các Cô cũng cảm được cái “oán tắng hội khổ” nên chỉ ba ngày sau, các chú mèo và chuột, rút hết ra khỏi phòng, qua tạm cư ở những căn nhà kho không có người xử dụng.
Tôi còn nhớ vào năm 1997, cũng nhờ quán tưởng cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông mà tôi đã leo lên được đỉnh núi Yên Tử. Lúc đó đường lên núi chưa có dây cáp, chồng tôi và tôi được Ni sư Như Minh cho đi tham quan núi Yên Tử. Khi leo lên giữa núi, nhìn thấy bên trái vách núi cao chọc trời, bên phải thì vực sâu thăm thẳm. Tôi tự trách mình sao lại tìm đến những nơi nguy hiểm, lỡ trượt chân mất mạng thì thật là khờ khạo biết bao. Để trấn an tâm sợ hãi và những suy nghĩ dại dột, tôi mang hình ảnh vua Trần Nhân Tông ngày xưa một mình lên núi ra để giúp tôi có thêm năng lực tiếp tục lên đường. Khi tôi bước trên rễ lớn của những cây thông bắt ngang làm thành bậc đi lên, tôi nghe kể lại rằng, những hàng Thông nầy là do Vua Trần Nhân Tông trồng trong thời gian ở đây, tôi bắt đầu bước những bước chân vững chãi hơn, ý thức rõ con đường với những kỷ niệm của người xưa để lại. Những bước chân của tôi hôm nay có lẽ đã dẫm lên những bước chân của Ngài hơn 700 năm về trước. Bao nỗi sợ hãi trong lòng tan biến, tôi không còn bị ảnh hưởng của địa thế núi rừng hiểm trở, mà chỉ còn lại ý thức của mỗi bước chân đi và hình ảnh tuyệt vời của một lão tăng, đầy dũng khí.
Thiền ăn
Trở lại câu chuyện Xứ Phật, sau khi được thoải mái vì không phải sống chung với các chú Chuột, tôi đối đầu với thức ăn khó nuốt. Thức ăn khô trong chùa được quý Phật tử Việt Nam cúng dường mang theo trong các chuyến hành hương. Nhiều lần họ đem được vào Ấn Độ rồi nhờ người chuyển về chùa, vì vậy có những thức ăn khô 2 năm sau mới đến được chùa. Những gói mì ăn liền bị bể vụn do di chuyển qua nhiều nơi, những lần vo gạo và nếp tôi thấy nhiều hạt nổi lên vì mọt ăn rỗng ruột. Ngôi chùa nầy thuộc hệ phái Khất sĩ, nên mỗi ngày chỉ ăn hai bữa: sáng và trưa, trước giờ ngọ. Khi món ăn được lập đi lập lại mỗi ngày làm tôi bắt đầu khó nuốt, nhưng nghĩ đến sức khỏe và thời tiết khắc nghiệt mùa Đông xứ Ấn, tôi phải nghĩ ra cách đưa thức ăn vào cơ thể. Bài pháp ăn trong chánh niệm của Sư ông Làng Mai đến ngay với tôi để cứu vãn tình huống. Tôi nhớ lại, trong khóa tu mùa Đông năm 1993, trong giờ ăn sáng Sư ông dạy mọi người nhai mẩu bánh mì ít nhất là 50 lần và chỉ nhai bánh mì thôi, vào giờ trưa Sư ông lại nhắc nhở rằng mỗi miếng thức ăn đưa vào miệng chúng ta nhai ít nhất là 80 lần, chúng ta đếm từng lần nhai với ý thức rõ ràng, nương theo hơi thở nương theo số đếm, và chỉ nhai thức ăn mà thôi, không nhai bất cứ cái gì khác. Khi cắn phải miếng đậu que thì ta biết ta đang cắn miếng đậu que, không cắn những nỗi buồn, cơn giận, những dự án ... Nhớ lại những lời sư ông dạy tôi đã nhai từng lát bột mì hấp và ý thức là mình đang nhai lát bánh mì hấp cho đến lúc bánh mì dẻo ra thành nước hòa lẫn với nước bọt mới nuốt xuống, không nhai miếng bánh mì dở hay ngon. Sau lần thành công nhai được thức ăn trên 80 lần và nếm được hương vị ngọt lịm của miếng bánh mì hấp mà đáng ra rất nhạt nhẽo; tôi đã tin cách ăn trong chánh niệm, giờ ăn lúc đó không còn khó chịu nữa mà là giây phút thú vị của sự thực tập thiền quán.
Hàng ngày, sau giờ ăn sáng tôi cùng thầy Tánh Tuệ và sư cô Liên Thật vào các làng nghèo để kiểm tra lại các công tác từ thiện đã làm, và tiếp tục làm thêm những công việc mới, tôi học hỏi được nhiều từ chư Tăng Ni về kinh nghiệm từ thiện trên đất Ấn. Tôi trở về trước 11 giờ trưa để kịp dùng cơm, rồi đến giờ nghĩ và xế chiều tôi và chị Diệu Thuận đi bộ ra Bồ Đề Đạo Tràng hay các chùa Việt Nam lân cận để tụng kinh chiều, ngôi chùa tôi tạm trú đi bộ đến Bồ Đề Đạo Tràng mất khoảng 20 phút.
Bồ Đề Đạo Tràng
BĐĐT mở cửa từ 4 sáng đến 9 giờ tối, lúc nào cũng tấp nập khách hành hương và tín đồ Phật giáo. Có rất nhiều tu sĩ Tây Tạng về đây tu học, những chiếc áo màu hỏa hoàng của quý sư chiếm đến 80% bên ngoài và trong BĐĐT. Các thánh tích Phật giáo tại vùng Gaya thường có những ngôi chùa Tây Tạng xây bên cạnh, những vị tu sĩ Tây Tạng sống trong các chùa nầy vừa chuyên hành trì, vừa lo chăm sóc thánh tích. Phật giáo Ấn Độ nếu không có hình bóng và sự đóng góp của Phật giáo Tây Tạng thì e rằng sẽ rất nghèo nàn và buồn tẻ. Trong cái khổ nạn mà Phật Giáo Tây Tạng phải gánh chịu trong 50 năm qua, lại sinh ra được cái huy hoàng của nó, đó là sự chấn hưng và phát triển Phật Giáo trên đất nước Ấn vốn đã tàn rụi từ lâu.
Vào những tháng mùa Đông, khí trời chuyển lạnh đẩy lui sức nóng khắc nghiệt, hàng đoàn tu sĩ tụ về BĐĐT để hạ thủ công phu. Hàng ngày có hàng ngàn khách hành hương có mặt bên trong BĐĐT. Trong số đó có khoảng 300 đến 400 người được gọi là tu học thường trú, tu sĩ Tây Tạng chiếm đến 90%, thời khóa mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Mỗi người chọn cho mình một pháp môn tu: trì chú, trì kinh, lễ lạy, thanh tịnh thân và tâm (purify body and mind), thiền định…. Ví như trăm dòng sông cùng đổ về biển cả, hàng trăm người an tĩnh hết lòng thực hành pháp môn của mình, năng lượng tu học hòa điệu trong không gian, không còn một sự ngăn ngại nào ngoài sự thanh tịnh tỏa rộng, thấm vào từng tế bào của cỏ cây, đất đá và hành giả.
Cúng dường
Để tỏ lòng hỗ trợ sự tu trì của quý thầy, cô và đại chúng, thầy Thích Tánh Tuệ, sư cô Liên Thật và “MTNCD” đã cúng dường tịnh tài đến 375 vị tu sĩ thường trú. Trước giờ cúng dường, chúng tôi đứng trước linh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cầu nguyện, niệm chú Đại Bi, tụng kinh Phổ Môn. Vì có một quá trình vào ra BĐĐT mỗi ngày nên thầy Tánh Tuệ biết vị tu sĩ nào là tu sĩ thường trú để cúng dường. Tôi lễ lạy một cách thành kính từng vị trước khi dâng phong bì cúng dường. Thầy Tánh Tuệ đi theo hướng dẫn để tôi không bị sót vị nào. Hai chân tôi có lúc không còn có thể đứng lên lạy xuống, tôi quay về theo dõi hơi thở, đưa hơi thở vào ra trong mỗi hành động, khi hơi thở và hành động được hoà hợp với nhau thì tôi chỉ còn một việc là nhiếp hết tâm ý cúng dường, và nhờ vậy mà tôi đã tìm được sự bình an và tập trung cho đến lúc cúng dường vị tu sĩ cuối cùng. Dù chỉ lễ lạy trong 4 tiếng đồng hồ, vậy mà hai ngày liền cơ bắp đau nhức, từ đó tôi mới tâm phục khẩu phục công năng hành trì pháp môn “thanh tịnh thân tâm” của quý thầy Tây Tạng. Mỗi ngày quý sư đã lễ lạy khoảng 2500 lần từ 1 đến 3 tháng. Có một điều kỳ lạ là chẳng ăn uống bồi bổ mà quý sư nhìn rất khoẻ mạnh và tươi vui.
Để thực hành pháp môn “thanh tịnh thân và tâm” các vị tu sĩ đã đến văn phòng G.P.L. Charitable Trust của Tây Tạng, đối diện với BĐĐT, để thuê một tấm gỗ dài khoảng hai mét rộng khoảng 1 mét, với số tiền gối đầu là 900 rupees, sau khi tu học xong đem hoàn trả lại thì văn phòng sẽ trả lại 850 rupees. Được biết số tiền gối đầu 900 rupees là để khi người mướn rời BĐĐT sẽ có trách nhiệm đem tấm ván về trả lại văn phòng G.P.L. để được nhận lại tiền cọc. Nếu không có số tiền thế chân thì sau khi hành trì xong các tu sĩ sẽ bỏ các tấm ván lại BĐĐT để mưa nắng làm hư hỏng một cách đáng tiếc. Đồng thời sau 1 đến 3 tháng xử dụng số tiền thu về 50 rupees (khoảng 1 usd) cho mỗi tấm ván là để lo bảo trì như đóng lại đinh, rửa sạch, nối lại những miếng gỗ bị gãy ….
Từ lòng kính phục trước công năng chuyên trì nghiêm mật của chư tăng ni tại đây, tôi đã đại diện Mắt Thương Nhìn cuộc Đời tìm đến văn phòng G.P.L. cúng dường 18 tấm ván “lễ lạy” cho các hành giả chuyên về pháp môn “thanh tịnh thân tâm”, và 20 ngọn đèn được thắp bằng bơ suốt ngày và đêm tại nhà cầu an bên trong BĐĐT theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Nuôi Lớn Sự Thanh Tịnh (tu đêm)
Hàng ngàn người vào ra BĐĐT ban ngày, còn có những đạo tràng từ các nước Á Châu, phần lớn Thái Lan, về đây đăng ký với văn phòng BĐĐT để ở lại tu từ 9 giờ tối đến sáng hôm sau, gọi là trưởng tịnh (nuôi lớn sự thanh tịnh). Cá nhân cũng có thể đăng ký với văn phòng, đóng lệ phí 100 rupees để tu trưởng tịnh. Không khí thanh tịnh về đêm tại BĐĐT hoàn toàn khác với ban ngày, những người còn lại sau 9 giờ đêm là những người thật sự muốn tìm đến một sự im lặng tuyệt đối. Mỗi hành giả hành trì pháp môn riêng của mình, chọn một nơi thích hợp và nhất tâm hành trì.
Trước khi lên đường đi Ấn Độ, tôi đã sắp xếp một chương trình dày đặc để mong được thực hiện và học hỏi. Vả lại, trên 15 năm qua chúng ta đã có một quá trình ủng hộ chư tăng tu học ở các tu viện Tây Tạng, nên tôi muốn biết thực trạng của vấn đề để mong điều chỉnh cho thích hợp. Nhưng rồi, như tôi đã nói, tôi đã thật sự tiếp xúc với năng lượng an lạc của tự thân. Những ngày ở đây trở thành những giây phút yên tĩnh lạ thường, từ những bước chân thiền hành qua những khu đất nghèo văng vẳng tiếng kinh chiều của các chùa Tây Tạng cho đến những đêm thanh tịnh tọa thiền, tất cả dâng lên một khúc nhạc trầm lắng và đầy yêu thương, làm cho người qua đây không còn nhất thiết phải làm chi khác nửa. Tôi quyết định dành thời gian để trở về với chính mình, tôi khao khát được tu, và được làm việc từ thiện trong tinh thần chánh niệm.
Vị sư phụ ngôi chùa Việt Nam, nơi tôi xin tá túc, có Phật sự đi xa, nên từ đó mỗi ngày tôi vào BĐĐT lúc 6 giờ chiều, ngồi nhìn mọi người qua lại, hay cùng các bạn đạo chia xẻ những mẩu chuyện, rồi xế tối tôi vào điện chính lễ lạy đức Bổn Sư, tụng kinh Phổ Môn và niệm chú Đại Bi. Chị Diệu Thuận kể lại rằng khi tôi nhiếp tâm tụng kinh thành tiếng rặt giọng Huế thì các sư Tây Tạng chung quanh ngưng tụng, họ nhìn tôi rồi nhìn nhau mỉm cười. Sau 9 giờ tối tôi dựng lều ngồi thiền, và bắt đầu tĩnh tọa, đến gần nữa đêm, rồi đi thiền hành đến lúc bước chân tôi đưa tôi về lều nghỉ ngơi. Thời gian vô tận và không gian thênh thang luôn có mặt nơi đây, không có việc gì cần làm, không có mục đích cần đạt, không cần rong ruổi với thời gian. Tôi đã mở tung ra được nhiều sợi dây ràng buộc trong thời gian ngắn ngủi này mà hương hoa của sự vắng lặng đó vẫn còn ảnh hưởng trong cuộc sống hàng ngày của tôi cho đến hôm nay.
Cái lều của tôi được dựng chơ vơ ngoài trời ngay bên lề đường, khí trời về đêm xứ Ấn lạnh lắm, sương rơi thấm ướt tấm khăn tôi trải che gió trên đỉnh lều, khí lạnh từ lớp đá hoa cương dưới nền tỏa ra được làm ấm lại bằng một tấm chăn mỏng. Lều được thiết kế tránh muỗi, dành cho ngồi thiền chứ không phải để nằm, nhưng cũng may là tôi nhỏ xíu, nằm co lại như mình đang nằm trong bào thai mẹ trước khi ra đời, tôi hạnh phúc mỉm cười từ từ đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng những con chó hoang rượt và cắn nhau trong đêm tối.
Điểm tâm
Tờ mờ sáng lúc chưa nhìn rõ được mặt nhau, những bước chân đi mạnh mẽ, những tiếng niệm chú xì xào từ các sư Tây Tạng vào BĐĐT lúc 4 giờ sáng mở đầu cho một ngày mới tu tập, đánh thức tôi dậy. Tôi lấy chăn đắp lên người, ngồi yên trong lều, theo dõi hơi thở và “thiền quan sát” sinh hoạt buổi sáng tại BĐĐT.
Thức dậy mỉm miệng cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời
Năm giờ sáng, sương còn rơi và khí trời se se lạnh, vậy mà tiếng chân người mỗi lúc một rộn ràng hơn, số người thưa thớt ban đầu dần dần trở thành từng đoàn nối chân nhau tìm đến địa điểm hành trì mỗi ngày của mình. Mặt trời từ từ hé dạng, vén nhẹ màn sương khuya, đem hơi ấm ôm ấp lên muôn vật, tôi bước ra khỏi lều và xếp gọn hành trang chuẩn bị đi ăn điểm tâm. Tại khuôn viên trước BĐĐT, dù người sang hay kẻ hèn thì cũng chỉ có hai món để điểm tâm đó là trà sữa và bánh bột mì hay bột chapatti (lúa mì). Mỗi ly trà sữa là 5 ruppes, một cái bánh bột chỉ 10 rupees (0.25 usd), đây cũng là một sinh hoạt đáng nhớ, cái thế giới mà ai cũng như ai, ngồi trên thành lề đường, sưởi ấm hai tay bằng ly trà sữa nóng và lót dạ một miếng bánh mì để chuẩn bị cho một ngày sinh hoạt mới.
Cúng Dường Ba La Mật
Một buổi sáng vào mùa lễ hội Tripitaka, BĐĐT đông nghẹt người về tham dự. Đang đi thiền hành sau thời khóa trưởng tịnh, tôi dừng lại khi nghe tiếng xôn xao khác thường từ phía cổng chính của BĐĐT. Tôi thấy nhiều Phật tử nói tiếng Hoa, có lẽ là người Đài Loan, thuê những em bé người Ấn đem bánh mì và trà sữa vào cúng dường cho bất cứ người nào đang có mặt trong BĐĐT. Họ làm việc nhanh nhẹn để kịp đem đến tặng từng người như sợ người ta đi mất khỏi tầm nhìn của họ, người nhận muốn bao nhiêu thì họ tặng bấy nhiêu, không phân biệt tu sĩ hay khách hành hương, không tính toán, không kỳ thị, không phân tích, họ trao tận tay những miếng bánh mì tươi mềm và ly trà sữa nóng hổi vừa mới rót ra. Họ đến trước mặt tôi để “cúng dường”, tôi lặng yên tiếp nhận, hơi ấm từ ly trà nóng chuyền qua lòng bàn tay theo dòng nước mắt lăn dài trên đôi má, tôi nói thầm “hạnh phúc thay … hạnh phúc thay” khi thấy con người biết sống với nhau trong biển tình thương bao la.
Chó Hoang
Buổi sáng tôi chia xẻ phần điểm tâm cho vài chục con chó. Đây là những con chó hoang, không có nhà để về, không có chủ cho ăn, bãi rác là nơi các “em” tìm thức ăn và ngủ từng bầy với nhau. Rất nhiều chó hoang. Tôi và chị Diệu Thuận mua hàng chục miếng bánh mì, xé nhỏ ra và thảy cho từng em một.
Một hôm khi đi qua làng, tôi thấy một con chó con từ đằng xa, cái đuôi ve vẫy, cái mồm sủa oang oang, “em” thuộc giống Pomerine nên rất đẹp và được nuôi đàng hoàng. Tôi đến gần, ngồi xuống chơi với “em” thì con chó bỗng nhiên ngưng sủa, ngửi quanh người tôi, rồi nhảy chồm lên liếm vào tay vào mặt tôi. Tôi thương quá, ôm “em” vào lòng, và hôn lên đầu lên má “em”, chị Diệu Thuận bảo tôi: “thôi đi mau kẻo tối”. Những hôm đầu tôi nhờ chị Diệu Thuận giúp tôi cho chó ăn bánh mì chị không nhiệt tình cho lắm.
Thế rồi mỗi ngày hai chị em cùng đi tu học với nhau, và thường có những chú chó hoang theo gót chân tôi. Một hôm tôi phát hiện có một con chó màu đen, tôi đặt tên là “Mực” đã theo tôi từ lâu lắm, tận ngoài BĐĐT. Cứ mỗi góc đường Mực lại đứng chờ, tôi rẽ về hướng nào là nó quẹo về hướng đó. Thương quá! tôi nói với chị Diệu Thuận: “Lát nữa về chùa em đứng ngoài giữ nó chị vào tìm thức ăn cho nó giúp em nghe”. Chị Diệu Thuận cản: “thôi, đừng lấy thức ăn cho chó, trong chùa không thích đâu”. Ngay sau câu nói của chị Diệu Thuận, tôi thấy Mực đến trước cổng chùa rồi quây lưng đi ra lại đầu xóm. Tôi không nói gì hết, chạy nhanh vào bếp lấy mấy miếng bánh mì cũ chạy ra thì Mực đã đi mất, tôi cầm miếng bánh mì đi tới đi lui quanh xóm, tôi gọi thầm trong tâm: “Mực ơi! con đi đâu rồi? ra đây với cô đi con” nhưng mãi mãi em không trở lại. Tôi về kể lại cho chị Diệu Thuận nghe và tỏ lòng xót xa. Từ hôm đó chị Diệu Thuận không còn ngăn cản tôi “thương chó”, chị đã phụ tôi xé bánh mì và ném ra cho từng con một. Tôi rất vui vì có lần các “em” đến đông quá, chị bảo tôi mua thêm ít miếng nữa vì còn một số “em” ăn chưa no.
Đi chợ
Một hôm đi chợ sau lưng BĐĐT, tôi thấy một sư cô người Tây Tạng. Cô chọn một trái đu đủ trao cho người bán hàng xong là sư cô quay về lần hạt tràng niệm chú, khi ông bán hàng cho biết giá tiền thì tôi xin sư cô được cúng dường và hỏi sư cô có cần thêm gì nữa không? Sư cô chọn thêm ít trái ớt xanh, loại để xào nấu,trao cho tôi trả tiền. Sư cô nhìn tôi với đôi mắt trìu mến và nụ cười hiền, tôi nhìn sư cô với lòng kính cẩn, chắp tay búp sen để tỏ lòng cám ơn đã cho tôi cơ hội cúng dường. Sau đó nhiều lần tôi gặp sư cô trong BĐĐT, hai người không đồng ngôn ngữ nên chỉ chắp tay xá chào, đi bên nhau trong im lặng cho đến hết ngả đường, chúng tôi chia tay với nụ cười thân mật.
Tiêu cực
Khi cúng dường chư tăng ni tu học bên trong BĐĐT, tôi nhận ra rằng có những tăng đoàn sống bên nhau, hỗ tương cho nhau, chọn địa điểm tu tập thích hợp gần nhau; lễ lạy và tụng niệm suốt ngày, những tu sĩ này có thể xem là tu hành cẩn mật. Nhưng cũng có những trường hợp mà nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng bị lạm dụng lòng tin. Có lần tôi tình cờ gặp một vị sư già ngồi riêng một mình trong điện Quan Âm bên trong BĐĐT được gọi là “Lạt Ma”, vị này giỏi tiếng Anh, vui vẻ và nhiệt tình với mọi người tìm đến gặp. Khi thấy Phật tử đến gần,vị “Lạt Ma” bắt đầu niệm chú vào chai nước, lấy nước vuốt lên tóc Phật tử rồi cho Phật tử uống. Sau khi “Lạt Ma” làm xong “thủ tục”, tay gõ gõ xuống bàn nhắc tín đồ việc cúng dường; các Phật tử cứ như vậy mà lấy tiền ra cúng để mong rằng lời chú của “Lạt Ma” niệm cho mình linh nghiệm hơn. Ngoài vị “Lạt Ma” nầy tôi còn thấy một lão sư thường xuyên ngồi riêng một góc gần cổng ra vào BĐĐT, vị nầy không biết tiếng Anh, thấy ai đi ngang đều chỉ vào bụng, làm dấu là sư đang đói bụng, và có rất nhiều người qua lại lấy tiền ra cúng dường cho Sư.
Lặn lội ngàn dặm về đây tu tập,những vị hành giả nghiêm mật thường không tạo sự chú ý đến khách thập phương để được cúng dường. Nếu họ nhận được sự cúng dường thì họ sẽ cảm tạ bằng cách chắp tay búp sen với một nụ cười biết ơn rồi tiếp tục hành trì pháp môn của mình. Đời sống ở Ấn Độ nghèo khổ,không làm sao tránh được tình trạng “tiêu cực” xãy ra hằng ngày. Chúng ta mong sự cẩn thận của mình sẽ giúp cho người lợi dụng niềm tin của đàn na tín thí không phải chịu nghiệp quả sau nầy, và hình ảnh Phật Giáo không phải vì vậy mà mang thêm vẻ mê tín, thần thánh.
Ma Đăng Già:
Mỗi ngày xế trưa tôi theo chị Diệu Thuận về chùa Độ Sanh tụng kinh, tại đây tôi gặp một sư chú vừa từ Việt Nam qua,thay sư phụ để chăm sóc chùa.Đây là lần đầu tiên chú ra khỏi Việt Nam nên cái gì cũng mới mẻ đối với chú. Chú kể rằng phòng chú ở không có cửa sổ, các cô hàng xóm thấy người lạ mới đến cứ đứng tò mò nhìn vào phòng,cô nào cũng đẹp tuyệt vời. Chú hơi lo sẽ bị sắc đẹp của các cô lôi cuốn, phen nầy chắc không thoát khỏi kiếp nạn “Ma Đăng Già.” Nhưng một sáng nọ, chú lên lầu thượng tập thể dục, nhìn xuống cánh đồng chung quanh chùa, chú thấy các cô hàng xóm “đẹp tuyệt vời” đang ngồi ngoài đồng làm chuyện vệ sinh, càng ngán ngẩm hơn nữa là các cô ngồi gần nhau, nói chuyện thật huyên náo. Những hôm khác chú thấy có cô với ly nước và bàn chải trên tay, đi khắp xóm đánh răng buổi sáng. Bao nhiêu hình ảnh đó đã làm giảm cái đẹp của các cô rất nhiều, chú nói nhờ vậy mới thoát được cái nạn “Ma Đăng Già”. Ở Ấn Độ là vậy! Những nơi thật nghèo không hề có phòng vệ sinh, chính vì vậy mà người ta phải đi trên những đồng ruộng hay nương rẫy.
Đức Phật Chưa Từng Nhập Diệt
Những sợi nắng thưa dần nhường chỗ cho bóng chiều buông xuống, tôi đi vào bên trong Bồ Đề Đạo Tràng (BĐĐT) hoà nhập với tăng đoàn tu sĩ và cư sĩ từ nhiều quốc gia quy tụ về đây. Đúng là thế giới Cực Lạc. Tôi bước những bước chân chậm rãi trong chánh niệm, tìm được sự an lạc trong mỗi bước chân đi, nhịp thở điều hoà làm nở hoa dưới gót chân tôi bước, lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả. Thoáng nhẹ trong không gian thênh thang tôi như thấy linh ảnh Đức Phật đang đứng ở dưới gốc cây Bồ Đề cuối bức tường, Ngài với nụ cười nhẹ và đôi mắt từ bi nhìn tôi khích lệ. Đó không phải là mơ, không phải là sự tưởng tượng, mà là một cái cảm thọ của sự tiếp xúc chân thật phát khởi từ tâm thể trong sáng. Không phải một lần mà xảy ra vài lần trong thời gian tôi tu tập tại BĐĐT. Chỉ có những lúc tôi có sự an lạc trọn vẹn và tỉnh thức tròn đầy thì tôi mới tiếp xúc được cảm nhận mầu nhiệm đó. Tôi tin chắc rằng “Đức Phật Chưa Từng Nhập Diệt”, Pháp Thân ngài tỏa sáng khắp mọi nơi, trong bước chân tĩnh lặng tôi thấy rõ tâm thể của một người tỉnh thức; tôi đã nói câu này nhiều lần với chồng tôi trong thời gian tôi sống tại đây. Đức Thế Tôn muốn những đứa con Ngài tự thắp đuốc lên mà đi nên Ngài đã thị hiện Niết Bàn, ngài mãi mãi ở khắp nơi, ngài chưa từng rời xa cội Bồ Đề, chưa từng rời xa Khổ Hạnh Lâm, chưa từng rời xa dòng sông Ni Liên Thuyền. Chỉ cần chúng ta có sự tỉnh thức trọn vẹn thì chúng ta có thể tiếp xúc được với Ngài ngay trong từng hơi thở, từng bước chân.
Hôm nay ghi lại đây một vài kỷ niệm của những ngày hạnh phúc bên Bồ Đề Đạo Tràng như một sự chia xẻ nồng ấm với mọi người. Nhân mùa Phật đản Phật lịch 2553, xin dâng một đóa tâm hương với tất cả lòng thành kính lên đức Thế Tôn. Nguyện cầu cho chúng ta có đủ hùng lực để cùng nhau vững tiến trên con đường giác ngộ. Kính chúc các bậc tôn túc, cùng chư tăng ni và quý Phật Tử vô lượng an lành.
Tâm Tịnh An - Tôn Nữ Diệu Liên
Mùa Phật đản – PL. 2553
Tịnh tài đóng góp xin gửi về văn phòng “Eyes of Compassion Relief Organizationi”, hoặc đóng góp trực tuyến bằng Paypal. Quý vị có thể giúp đỡ các chương trình khẩn cấp hoặc yêu cầu thực hiện những chương trình mà quý vị monag muốn. “Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời” là tổ chức từ thiện bất vụ lợi với số đăng ký trừ thuế 88930 2006 RR0001, chúng tôi có đủ pháp lý cung cấp giấy khai thuế cho quý ân nhân trong lãnh thổ Canada. Mọi đóng góp và thắc mắc xin liên lạc về: Eyes of Compassion
You can help the Eyes of Compassion Relief Organization by sending a tax-deductible donation in any amount for general support or you may earmark your donation for a specific project. You can also donate on-line by Paypal. The Eyes of Compassion Relief Organization is a charity non-profit organization with tax ID # 88930 2006 RR0001; all donations are tax-deductible to the fullest extent allowed by law. Any question please contact Eyes of Compassion